Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Từ một buổi trưa (Đào Duy)




Cu cậu  thường tâm sự, gần 60 năm sống trên cõi đời, điểm lại các mối quan hệ, ngoài những người bạn quý hắn; còn có những  người không ưa hắn, có nhiều người ghét hắn, thậm chí có người thù hắn. Nhưng  hắn chưa thấy ai thù hắn dai dẳng, ghê gớm bằng người đàn bà tới thời khắc này đã ngót nghét 50. Có nghĩa là cho tới bây giờ, mỗi lần họp lớp bên đám bạn già cùng lứa, không động đến tên hắn thì thôi, chứ hễ cứ bạn bè nhắc tới tên hắn là y như rằng, bà ta lại nguyền rủa, nhiều khi đến cay độc, hơn cả  "nguyền rủa đế quốc Mỹ".


 Hơn 30 năm trước, hai đứa chúng tôi học năm thứ hai Đại học KTQS. Những ngày ôn thi hay trốn ra ngoài doanh trại "để ôn". Thường chúng tôi hay  "bùng" qua tường lối xưởng cơ khí, qua bệnh viện tỉnh rồi rẽ lên mấy quán nước trên dốc Láp (phía bên kia dốc là Trường cấp 3 Trần Phú).
Một lần sau khi ngồi hơn tiếng đồng hồ xem "nổ ngô" (hạt ngô được cho vào một cái bình sắt giống như bình chứa oxi của cánh thợ hàn, rồi đậy nắp thật kín. Sau đó cho lên bếp than quay. Khi đã đủ độ chín, người thợ chuyến cái bình ra khỏi lò để trên một cái giá, giống như khẩu súng cối đặt trên bệ. Một đầu chĩa vào tấm chăn màu cháo lòng, căng phía trước. Người thợ bật nắp bình. Một tiếng nổ lớn phát ra do nhiệt và áp suất cao, kéo theo là những hạt ngô bung ra hết cỡ, bắn như mưa vào tấm chăn phía trước rồi rơi xuống chiếc chiếu cũ đặt dưới. Người làm cứ thế lao vào xúc cho vào bao, đem đi phân phối cho các quán hoặc đổ sỉ cho các chợ quê).
"Cảm kích" trước sự  nhiệt tình ngồi xem của chúng tôi, ông chủ múc một rổ con ra mời. Đã "lót" một bụng nước trà, giờ lại thêm rổ ngô tống vào, bụng căng ra thì cũng là lúc hai con mắt  tự dưng muốn díp lại. Chúng tôi rủ nhau sang Trường cấp 3 Trần Phú, kiếm cái lớp nào trống, chui vào đánh một giấc (vì bọn học sinh phổ thông đang kỳ nghỉ hè).
Mỗi thằng một ghế băng, đang "kéo bễ" thì thấy tiếng léo nhéo của mấy đứa con gái. Bọn tôi vội nhổm dậy, tiếng cười trong trẻo tuổi 16 của các em cứ thế vút lên. (Các em biết và rất ngưỡng mộ cánh lính Quân sự chúng tôi. Quả thực hồi đó bọn tôi cũng đẹp trai và  "miệng lưỡi" cũng lia chia, không đến nỗi nào). Thì ra là các em lớp 9 lên trường học thêm. Thế là chúng tôi quen rồi sau này thành thân.
Bẵng đi một thời gian. Một lần thằng bạn về Hà Nội đi tranh thủ. Đêm thứ bảy, tự dưng cu cậu thức rất khuya ngồi giữa phòng khách, bên ấm trà. Thuốc "điếu này ra điếu kia vào". Nửa đêm bà già tỉnh giấc phát hoảng khi thấy thằng con quý tử vẫn ngồi "đồng" giữa nhà. Bà hỏi: “Có việc gì mà thức khuya thế anh? Dạo này học hành thế nào? Anh vẫn nói với mẹ là anh đang học "cơ bản". Học cơ bản thì tốt, chứ có vấn đề gì nào?”. (Dân kỹ thuật chúng tôi có 2 năm đầu học cơ bản, còn 3 năm sau là cơ sở và chuyên ngành. Nhưng anh bạn tôi lại đúp mất một năm, nên sau nghỉ hè,  trước khi lên trường,  mẹ hỏi: “Thế năm nay anh vào học năm thứ mấy?”. Anh bạn ấp úng nói đại: “Con đang học cơ bản”, cho nó gọn, đỡ phải giải thích, năm thứ mấy cho nó lằng nhằng, sợ mẹ biết).
Chẳng thấy con nói năng gì, bà mẹ lại gặng hỏi. Bỗng anh cu cậu khóc rống lên như bò bị chọc tiết, rồi gục xuống mặt bàn, mắt mũi lênh láng nước:
    - Mẹ ơi con hư rồi! ... Con ... con ... hư ... rồi...!
     - Ơ! Cái anh này hay nhỉ! Hư là hư thế nào? Anh chỉ được cái...  Có chuyện gì cứ bình tĩnh, từ từ nói cho mẹ biết xem nào?
   Sau một hồi ngập ngừng cu cậu đành khai hết với mẹ. Sự thật quá ghê gớm! Nó còn ghê gớm hơn nhiều lần chuyện ở lại lớp của cu cậu. Đó là việc tày đình, cô bạn gái cu cậu quen biết ngày nào, đang thi học kỳ 1 lớp 10 đã bị dính bầu.
- Giời ơi là Giời! Sao lại đến nông nỗi này, hả anh?
Một lúc lâu chờ cho cơn tức trong người vơi đi mẹ anh mới chậm rãi hỏi cặn kẽ sự tình. Và, thi học kỳ xong, nhân nghỉ tết, anh đưa bạn gái về chơi nhà và bà chị là bác sỹ ở bệnh viện giải quyết sự vụ êm thấm.
  Sau sự việc này rất giận anh nhưng tình thương của người mẹ đã giúp bà tỉnh táo trước vấp ngã của con trẻ. Bà dặn dò, khuyên răn, động viên, chăm sóc cô bé chu đáo như con gái mình. Mua đường sữa bồi dưỡng rồi cho tiền, khi về bà tiễn cô bé ra tận bến xe.
    Bà nói với anh: "Chuyện yêu đương, yêu ai là quyền của anh, mẹ không ép. Nhưng hiện tại con đang học nên quan hệ tình bạn cho đúng mực, phải tôn trọng và giúp đỡ nhau ...”. Bà dặn dò anh cũng là dặn dò cô bé.
  Thế rồi năm tháng qua nhanh, anh ra trường, nhận công tác. Đơn vị ở xa nơi biên giới, thời gian, khoảng cách và nhiều thứ khác nữa khiến cho tình yêu của hai anh chị không thành. Nhưng chị không tin, chị vẫn đổ tiệt cho là anh không chung thuỷ, là anh không còn yêu chị nữa, chê chị là gái tỉnh lẻ, là anh đã có người khác... Kể từ đó chị ghét anh, chị thù anh. Cho tới tận bây giờ chị vẫn tức, chị tức cái buổi trưa hè trên sân trường Trần Phú năm nào đưa đẩy để chị quen anh.
  Người đàn bà "thù dai" ấy giờ đã là bà ngoại. Nghe nói người ta vẫn thấy bà múa kiếm, đi quyền đều đều mỗi sáng bên bờ Đầm Vạc trên tận Vĩnh Yên.
Đ.D

2 nhận xét:

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.