Ngày ở Hà Nội hay qua lại Văn phòng Đại tướng, hơn nữa
đại tá Trịnh Nguyên Huân - một trong những thư kí của cụ lại là thầy giáo
"bậc đàn anh" của chúng tôi ở Đại học KTQS nên tình cảm khá thân
thiết. Vì vậy đã ghi nhận được nhiều chuyện nghe được.
Thầy Huân về trường Quân sự từ
1968, dạy môn Hóa. (Mãi gần đây mới hay thầy là lính Thiếu sinh quân Tiểu đoàn
1 trường VHQĐ Lạng Sơn 1960, và lại là anh trai LS Trịnh Thúc Doanh, bạn chúng
tôi ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi).
Vốn "cầm, kỳ, thi,
họa", giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp nên anh được cụ Đặng Quốc Bảo chọn lên
Phòng Nghiên cứu. Thầy trò tôi hay được gọi “đi kẻ, vẽ" triển lãm, cùng
tham gia các hội diễn văn nghệ. Năm 1974, tại Hội diễn toàn quân, học viên
Dương Minh Đức với ca khúc "Trong mỗi trái tim ta có Bác"
của thầy đã đoạt tấm huy chương vàng đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật của
mình. Có lẽ từ đây mà Đức rẽ sang con đường nghệ thuật!
Sau 30/4/1975, thầy tham gia
tiếp quản các thư viện của quân đội ngụy và mang về cho trường rất nhiều sách
quý: Bách khoa toàn thư, sách chuyên môn... mà chưa bao giờ các cán bộ KHKT của
ta được sờ tay. Mỗi lần lên thư viện tôi như bị lạc vào "mê cung" với
những cuốn sách giấy thơm phức, bìa cứng, kĩ thuật in hiện đại (chứ không phải
những trang giáo trình in ti-pô lem nhem, hôi mùi mực in, từng được sử dụng
suốt thời đi học) - sản phẩm tuyệt vời của nhân loại.
Văn phòng Đại tướng
Thời gian sau 1975, cụ Văn là
Phó Thủ tướng phụ trách cả mảng KHKT. Việc thành lập một văn phòng giúp việc là
cần thiết. Từng nhiều năm là Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam , cụ đề nghị các đơn vị cung cấp
các cán bộ giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ. Anh Huân cũng được tiến cử cùng với
thầy Thanh của trường.
Từ năm 1976, Văn phòng Đại
tướng bắt đầu hoạt động. Đại tá Nguyễn Huyên - vốn công tác trong Cục Chính trị
miền cùng thời cụ Nguyễn Chí Thanh, Trần Độ, Trần Văn Trà... đến năm 1974 ra
Bắc điều dưỡng thì ở lại luôn vì 1975 đã giải phóng miền Nam - cũng được chọn
về.
Ông còn nhớ, văn phòng lúc ấy
tá túc trong một dãy nhà lợp tole ở góc vườn. Nắng mưa, nóng lạnh không làm
giảm sút ý trí và hăng hái của các cán bộ giúp việc Đại tướng. Anh em tham gia
nhiều công trình tổng kết về KHQS, về KHKT, cả y tế, giáo dục, xã hội... Mãi
tới năm 1979, Bộ Chính trị mới quyết định cho xây dãy nhà một tầng bên trái
biệt thự, làm văn phòng cho đến hôm nay.
Lúc cao điểm có đến 17 cán bộ
làm việc ở văn phòng, chưa kể các cộng tác viên. Hiện nay còn lại 2 đại tá
Nguyễn Huyên và Trịnh Nguyên Huân cùng một sĩ quan cận vệ, một nhân viên hành
chính kiêm chụp ảnh, lái xe và 2 vệ binh.
Tại đây có phòng tiếp khách,
phòng họp và các phòng nhỏ cỡ 10m2 cho cán bộ làm việc. Nay quà tặng Đại tướng:
trướng, tranh ảnh, tượng, các tác phẩm nghệ thuật… treo kín tường, tràn cả ra
hành lang.
Cách đây hơn chục năm, có chủ
trương bàn giao lại các công thự mà gia đình cán bộ lãnh đạo đã ở cho Nhà nước.
Cục trưởng Cục Hành chính quản trị có đến gặp cụ Văn. Ông ta truyền đạt cả ý
kiến "giải thể văn phòng". Nghe xong cụ vui vẻ trả lời: "Là đảng
viên tôi xin chấp hành nghị quyết. Tuy vậy xin phép cho tôi chuẩn bị trong 6
tháng, tôi sẽ tìm người đủ năng lực. Họ sẽ bàn giao công việc với các cán bộ cũ
rồi về làm việc giúp tôi. Tôi sẽ kí hợp đồng và tự trả lương cho họ".
Ông này trở về. Một tuần sau
quay lại thông báo, ý kiến của trên là "vẫn duy trì hoạt động của Văn
phòng". Cho đến cuối năm 2009, Văn phòng Đại tướng vẫn hoạt động tích cực,
giúp cụ lên lịch tiếp khách, tiếp nhận các thông tin cần có ý kiến xác minh của
cụ.
Có lần tâm sự với thầy Huân thì
biết rằng những lí luận quân sự, lịch sử QĐND Việt Nam thời cụ Văn là Tổng tư
lệnh đã cơ bản làm xong và đựơc xuất bản. Thật là mừng! Hiếm có nhà chỉ huy
quân sự nào có nhiều tác phẩm như Đại tướng!
Sức khỏe Đại tướng
những ngày này
Chú Huyên có kể lại, cụ có sức
khỏe tuyệt vời. Những năm trước luôn dành gần một tiếng để tập thiền mỗi ngày.
Chả hiểu sao lần bị tràn dịch màng phổi ở tuổi ngoài 90 vẫn không làm sức khỏe
cụ suy sút. Cách đây 3-4 năm, cụ bị ngã, gãy cả xương đùi. Vậy mà Viện 108 với
công nghệ ghép xương hiện đại đã điều trị an toàn cho cụ. Tháng 10/2008 đến
thăm cụ ở khu nghỉ Hồ Tây thấy cụ không cần dùng khung inox để đi mà vẫn đi lại
nhẹ nhàng.
Từ đầu năm nay, Bệnh viện 108
yêu cầu cụ phải vào nằm để tiện theo dõi. Cụ vẫn tỉnh táo nhưng phải mở khí
quản để thở. Hàng tuần, chú Huyên và anh Huân vẫn vào báo cáo tình hình thời
sự. Không còn đọc được các bài viết và không thể cầm bút kí tên.
Cuối tháng 3/2010, cùng anh
Chu Thành (khóa 1) và cháu Vân Anh vào báo cáo Văn phòng về dự kiến tổ chức Lễ
tưởng niệm Thuợng tướng Chu Văn Tấn nhân 100 năm ngày sinh của ông. Tiện có
mang theo mấy tấm ảnh chụp cụ Văn cùng cụ Chu ,
gia đình gửi ông Huyên mang vào ngay chiều đó.
Hôm sau quay lại, ông Huyên
kể, khi đưa ảnh cho cụ Văn xem và hỏi "Anh có nhớ anh Chu Văn Tấn
không?". Cụ xem rồi gật đầu "Có". Chú Huyên viết lên mặt sau tờ
lịch treo mấy dòng chữ lớn "Hội Sử học Việt Nam, Ban Liên lạc Chiến sĩ
Việt Bắc và gia đình ngày 22/5/2010 sẽ tổ chức sinh hoạt tưởng niệm Thượng
tướng Chu Văn Tấn. Văn phòng thay mặt anh sẽ gửi lẵng hoa với nội dung
"Tưởng nhớ Thượng tướng Chu Văn Tấn nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của
Anh", anh có đồng ý không?". Cụ lại gật đầu.
Mong sao sức khỏe cụ cứ duy
trì như thế cho đến tháng 8 này, nhất là cụ có mặt trong lễ kỷ niệm 1000 năm
Thăng Long - Hà Nội. Ấy cũng là nguyện vọng của toàn dân.
K.Q
Làm sao a Quốc chuyển lời hỏi thăm của em đến A Huân? Lâu lắm ko được gặp anh ấy, ko biết A Quốc nói là: Thành (con của cô Hằng ở 62 phố Hàng Gai)a ấy có nhớ ko? Vì hồi bé bọn em hay sang chơi bên nhà anh Huân. E học cấp 2 cùng Thục Hiền . Lúc đó chỉ biết là anh ấy giỏi lắm và hình như đang làm cấp lớn thôi. Thỉnh thoảng a ấy mới về thăm nhà. Nếu được, a Quốc cho em số ĐT a Huân nhé. Tks anh.(Thành voi)
Trả lờiXóa