Trần Xuân Lăng
Học viên Trạm nguồn khóa 3
Vừa đi công tác miền
tây về, chưa kịp nghỉ ngơi để “giũ sạch bụi đường” thì ông Hoà, Trưởng ban Kỹ
thuật lữ đoàn, chạy qua: “Cậu biết tin chưa? Có một xe chở cáp của lữ đoàn ta
bị cháy ở Ninh Thuận, các anh ở bên Tham mưu muốn cậu ra ngay ngoài đó, xem xét
và lập biên bản cụ thể về sự việc này. Tớ đã chuẩn bị xe, cậu đi ngay đi!”. Tôi
ngớ người ra: “Chuyện này là ở bên Thanh tra lữ đoàn, chứ sao lại bắt bên Kỹ
thuật?”. Sợ tôi từ chối ông Hoà nói luôn: “Bên Thanh tra họ đi vắng cả; phía
Tham mưu bảo chỉ có cậu là thông thuộc đường đi và hiểu về chuyên môn xe cộ hơn
nên họ yêu cầu”. Rõ khổ, không hiểu từ sau Chiến dịch Buôn Mê thuột đến nay, ở
Lữ đoàn cứ coi tôi là “dân Nam chính hiệu” (mặc dù quê tôi ở Huế), vì xó xỉnh
nào cũng biết nên khi có yêu cầu đi công tác địa phương là họ lại nghĩ đến tôi.
Mà kể cũng lạ, mấy cái thằng “Trỗi con trời đánh” đều như có sẵn “máu linh
hoạt” chuyên nghiệp nên khi trên yêu cầu điều gì là chúng tôi đều xử lý được
ngay. Có điều cách xử lý của lính Trỗi thường ít được lòng lãnh đạo.
Rồi tôi lên đường với
chút mệt mỏi, khó chịu trong lòng và cũng chỉ nghĩ một cách đơn giản, đi làm
cho xong chuỵên chứ không ngờ rằng, chính nhờ sự chấp nhận đi công tác này mà
tôi đã góp một phần cứu giúp một người bạn cùng khoá.
Xuất phát vào khoảng
giữa trưa. Trên đường đi, tôi cứ miên man nghĩ về sự việc mà Ban Tham mưu bàn
giao, việc xảy ra nghe chừng đơn giản: có một xe chở cáp của lữ đoàn bị bốc
cháy ở khu vực Ninh Thuận, thiệt hại về người và vật chất, chưa rõ lý do xe bị
cháy. Vậy cần chú ý tìm hiểu nguyên nhân của sự việc có nằm trong âm mưu phá
hoại nào không? Tôi bỗng bật cười, mấy cha bên Tham mưu hệt như là mấy ông bác
sỹ, nhìn đâu cũng thấy vi trùng.
Khi xe đến khu vực
Lương Sơn, Bắc Bình, gần cửa Phan Rí của tỉnh Ninh Thuận, tôi bảo tài xế cho xe
đi chậm lại. Theo linh tính mách bảo, tôi có cảm giác như mình đã đến khu vực
xảy ra vụ việc. Dự đoán quả không sai khi trong tầm mắt đã thấy một chiếc xe
GMC có hai cuộn cáp trên thùng bị cháy đen nham nhở; biển số xe màu đỏ bị rớt
mất một bên ốc treo toòng teng phía sau. Tôi ra hiệu cho lái xe tấp vào phía
trên đầu chiếc xe bị cháy, mở cửa xe bước xuống, đi vòng lại chiếc xe bị nạn.
Không có ai ở chỗ xe cháy, chỉ có mấy người dân đang ngồi uống nước trong một
cái quán ven đường. Họ nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy cảm thông vì có lẽ đã
đoán ra được chúng tôi là ai.
Tôi vòng quanh chiếc
xe cháy nhiều lần và ngạc nhiên nhận thấy quả là một kiểu cháy kỳ lạ. Thành xe
cháy - cuộn cáp cháy - sàn xe cháy - mui xe và bạt phủ buồng lái cháy nhưng lốp
xe còn nguyên; buồng lái còn nguyên phơi ra dưới nắng chiều.
Người đâu? Sao rồi?
Tôi lo lắng tự hỏi rồi đi về phía quán nước. Có lẽ đoán được ý định của tôi nên
mọi người chỉ tay về phía góc quán, nơi có hai anh bộ đội đang ngủ vùi. Tôi
cũng cười như để làm quen rồi bước về phía hai anh bộ đội. Ai… ai thế này? Tôi
không còn dám tin vào mắt mình. Trời ơi… một trong hai người lại chính là… “ông
bạn vàng” cùng khoá 3 với tôi. Lê Kỳ Thọ! Thấy Thọ đang ngủ ngon lành, tôi
không nỡ gọi, định quay ra. Nhưng tiếng chào của khách trú chân với bà chủ quán
đã làm cho Kỳ Thọ mở mắt. Nhìn thấy tôi, như đoán biết được nguyên nhân sự có
mặt của tôi, hắn thở dài đánh thượt:
- Cháy xe rồi.
- Tao biết rồi. Tao ra đây là vì vụ này. Thôi dậy đi!
Bà chủ quán thấy
chúng tôi biết nhau nên cũng chêm thêm vào: “Tội nghiệp các chú ấy… đã cơm nước
gì đâu?”. Nghe vậy, tôi chọc cho Thọ đỡ buồn: “Bọ hết tiền rồi hả? Mạ có đem
tiền theo đây… Bà chủ ơi, chuẩn bị giùm bữa cơm cho bốn người ăn. Thịt cá đàng
hoàng, số lượng gấp đôi”. Đang đói lại nghe chữ “cơm” nên anh chàng lái xe của
Kỳ Thọ bật ngay dậy: “Bà chị để em phụ cho”.
Tôi chọc thêm:
- Này, bả
có cô em gái “đẹp dễ sợ”. Có lẽ vì vậy mà thầy trò ông ngủ mê mệt phải không?
Kỳ Thọ phì cười: “Hết
xí quách rồi cha nội! Thôi, tao với mày ra ngoài kia làm việc, để mấy đứa lo
cơm nước”. Tôi ra ngoài trước đứng đợi,
thấy Kỳ Thọ bước ra với bộ dạng: áo cháy
lỗ chỗ, bỏ ngoài quần, quần thì rách toạc một đường dài, phía dưới ống cháy
nham nhở, tóc thì xoắn lên do bị lửa táp… làm tôi bật cười. Tức cười nhất là
đôi giày “Cô-xư-ghin” không xỏ vào chân
mà cột lại, khoác qua vai, cạnh đó là khuôn mặt hốc hác đen nhẻm, trông chẳng
khác gì người nô lệ da đen khai thác vàng ở bang Tếch-dát.
Khi đã ngồi yên vị
dưới bóng cây, chờ hắn hút xong điếu thuốc, tôi mới hỏi:
- Sao cha? Cháy từ khúc nào vậy?
- Tao cũng có biết đâu, có lẽ từ cây số 276 (tức cách đây
6km). Tao chỉ biết khi có người chạy Honda 67 đuổi theo, ra hiệu mới biết là
cháy xe.
- Thế còn cái trần buồng lái? Chả lẽ cháy trên đầu
rồi mà mày cũng không biết sao? – Tôi truy tiếp.
- Đâu có. Khi tao dừng xe, lửa mới bén lên cháy nên
tao giật bỏ luôn. - Thọ lừng khừng trả lời.
Tôi cười an ủi: “Tao
cũng nghĩ vậy nhưng có điều lạ là trên xe không có chứa xăng dầu mà tại sao nó
lại bốc cháy? Không lẽ có ai tung phốt-pho lên xe?”.
- Cũng
chẳng hiểu nữa vì tao cũng xem xét kỹ rồi.
- Thế trên
đường mày có chở ai hoặc cho đi nhờ không? - Tôi hỏi vì biết hiện nay lái xe
hay kết hợp chở đồng bào và được tặng gà vịt (coi như trả công).
Thọ đăm chiêu nhìn về
phía xa một lúc rồi nói: “Tao có nguyên tắc bất di bất dịch là khi trên xe đã
chở khí tài thì không bao giờ kết hợp làm chuyện khác”. Sau câu nói đó tôi và
hắn cùng im lặng. Lúc này trong đầu chúng tôi chỉ còn duy nhất một câu hỏi: Tại
sao xe cháy? Tuy nhiên nếu giải đáp được thì có khi lôi thôi lắm chuyện. Sau
khoảng thời gian im lặng đã đủ, tôi mới nói với hắn những ý tưởng mà tôi đã sắp
xếp trong đầu từ nãy:
- Tao định
lập biên bản như thế này, mày xem có được không? Về hiện trường và tổn thất thì
tao cứ ghi đúng như đã xảy ra (vì có giấu cũng không được. Cũng may cáp thông
tin 50 đôi thì đơn vị mình còn nhiều, không ngại). Riêng về nguyên nhân vụ cháy
tao sẽ ghi: Theo kết quả ghi nhận của tổ điều tra và những người chứng kiến
thì, do sàn xe GMC đã bị mục, lại phải thường xuyên chuyên chở các loại vật tư
chứa dầu nên lâu ngày bị ngấm dầu, trở thành vật liệu rất dễ cháy. Trong quá
trình xe đi công tác từ Sài Gòn về Cam Ranh, qua địa phận tỉnh Ninh Thuận bị
một nguồn gây cháy rơi vào thùng xe (có thể là mẩu thuốc do hành khách đi xe đò
ngang qua búng vào). Dầu bắt lửa gây cháy xe. Không tìm thấy chứng cứ của âm
mưu phá hoại nào. Thiệt hại có khả năng khắc phục.
Kỳ Thọ nghe xong gật
gù và sau đó nở nụ cười tươi rói: “Nghe cũng có lý!”.
- Còn lý lẽ gì nữa? - Tôi bật cười, nói to - Mà này, xe còn
chạy được không?
- Mày muốn đi đến Hà Nội cũng được.
- Thế thì tốt rồi, ta ăn cơm, sau đó tranh thủ ban đêm có
trăng chạy về Cam Ranh ngay, không thì rách việc.
Kỳ Thọ vui vẻ theo
tôi vào quán với bộ dạng “quên đời”.
***
Sau
vụ cháy cáp một thời gian, do không muốn để tiếng lùm xùm trong đơn vị, Kỳ Thọ
đã xin ra quân, về với đời thường. Lâu lâu trong những lần họp mặt của khoá,
tôi vẫn gặp hắn - một con người bất cần… loại ly kỳ... cục. Hắn vẫn phớt đời
nhưng sống rất tình cảm và… hắn vẫn còn nợ tôi “một vụ”!
T.X.L
[1]
Bài được Ngô Phúc Chiến gửi cho blog Bantroik5 vào dịp 30/4/2008. Vậy mà chỉ
ít ngày sau, Xuân Lăng đã ra đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.