Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Họp mặt khóa 5 (1970-75) Học viện KTQS

Anh Việt Xe, Trưởng BLL k5, thông báo: Họp mặt kỷ niệm 40 năm ra trường của k5 được tổ chức vào:
- Ngày chủ nhật 29/11/2015, từ 8.00 sáng.
- Địa điểm: Canteen tầng 25, tòa cao ốc 25 tầng Học viện KTQS mới đưa vào sử dụng tại 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.
Mời các anh chị, bạn bè cùng khóa về dự.

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Tin buồn

Anh Hoàng Quốc Trung, cựu giáo viên bộ môn Vũ khí - Đạn, Khoa Trang bị cơ điện, từ trần ngày 26/10/2015. Tang lễ cử hành ở NTL Bộ Quốc phòng phía Nam.
Các bạn Trỗi k2, k5, k7 cùng đại diện Học viện KTQS đã đến viếng và chia buồn với gia đình.

Họp mặt 49 năm Học viện KTQS

Chiều qua, 28/10/2015, đại diện phía Nam của Học viện tổ chức gặp mặt truyền thống, chuẩn bị cho Hội trường 50 năm vào 28/10/2016. Tới dự có nguyên Phó giám đốc Học viện Nguyễn Bỉnh Chân và nhiều thầy giáo thế hệ đầu tiên cùng cán bộ, giáo viên, học viên các thế hệ.
Có vài hình ảnh ghi được.
Thủ trưởng Chân có đôi lời.

2

3

4

5

6

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Hội ngộ Karlsruhe ( CHLB-Đức) tháng 8-2015 (Trần Đình Ngân)

Hà-Huê-Tuyết-Vượng-Đắc-Ngân  (Karlsruhe 8-2015)

Một dịp tình cờ mà những người đồng đội cũ lớp 1980 của HVKTQS gặp lại nhau tay bắt mặt mừng. Sáu anh chị em, không ai cùng bộ phận, cùng cương vị ở Học viện nhưng sau gần 30 năm gặp lại sự thân quen vẫn như thủa nào. Chuyện kể về những vui buồn kỷ niệm xưa, cái thời trai trẻ 20-30  giữa các cụ ông, cụ bà đang ở tuổi 55-70 qua nửa đêm vẫn râm ran tiếng cười, tiếng nói.



Bác Ngân và ba bố con Đỗ Quốc Vượng (Karlsruhe 8-15)

                               
                                 

Bức ảnh chụp chung gửi về, không biết các bạn bè đồng đội xưa có ai còn nhớ đến nhưng gương mặt này không?

-Chị Bùi Bích Hà, nhân viên của thư viện . Cô gái xóm Bala-Bông đỏ  Hà Đông, 18 tuổi nhập ngũ làm nhân viên phòng Huấn luyện rồi đi học lớp thủ thư và trở thành  cán bộ thư viện mẫn cán. Các anh học viên từ khóa 5 đến khóa 14 của các Khoa chắc khó quên cô em ngoan hiền và nói năng lễ phép nhỏ nhẹ này.  Nhưng  những anh chị nào còn nợ sách Thư viện sau ngày ra trường, giờ Hà bảo lâu rồi nhưng cô vẫn nhớ rất rõ! Hà sang Đức năm 1987,  hiện chị sống ở thành phố Sangerhausen với hai cậu con trai lộc ngộc, cháu lớn 22 tuổi, cao 1m80 đang là sinh viên chế tạo máy, còn cháu nhỏ đang học lớp 10.

- Chị Nguyển thị Huê là nhân viên Phòng 6. Chị Huê hiện sống định cư tại Berlin và đã ở tuổi 61. Năm 2014 may mắn gặp lại thủ trưởng Lê Phương Cảo, Bác Cảo ôm vai cháu Phương Hiền, biết cháu đang học IBM Bác dặn: Gắng học giỏi như mẹ cháu nhé, hồi ở VN mẹ cháu là tay thợ khéo của Học viện đấy!

             
         

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Bình Tu, cựu học viên k8 Công trình quân sự, Đại học KTQS đã ra đi

Sáng nay được điện thoại Tạ Nghĩa báo tin Binh Tu đi đêm qua. Tôi sững sờ.
Định gọi cho Bùi Việt Sơn thì Sơn gọi vào.
Bình Tu nhà ở phố Giã Tượng, gần nhà Bùi Việt Sơn. Lần nào ra HN, ngồi với Dũng Zốt, Việt Sơn đều có Bình. Ngày trên trường, Bình cùng đá đội trường với Đạm và anh em chúng tôi. Anh em khác khóa nhưng quý nhau.
Cách đây đúng 5 năm, sau lễ kỉ niệm 50 năm Trường Trỗi, anh em kéo về Giã Tượng uống bia cũng có Bình.
Nghe bạn bè Quân sự nói, Bình bị cancer phổi, đang chữa chạy. Ra HN có tạt qua chỗ Việt Sơn nhưng không gặp được Bình. Tạ Nghĩa cũng bảo, hình như nó né.
Ngày mai, tang lễ cho Bình tổ chức ở NLL Bv Bạch Mai, từ 8-10g, thứ tư, 26/8/2015.
Thôi, Bình đi trước nhé! Phù hộ cho vợ con, bạn bè, đồng đội!
Nhớ thằng em lắm.

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Thông báo!!!

Các bạn không có TV có thể xem phim "NHỮNG NGƯỜI LÀM CMT8 Ở HÀ NỘI"


Mời vào đường link này xem trực tuyến trên VTV2 Online, đúng 8g (giờ VN):
http://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv2.htm
Chỉ cần click vào nút Play là xem được, kể cả ở cơ quan hoặc xa tận hải ngoại!
Các sáng thứ năm đến chủ nhật (13/8 - 16/8), VTV2 tiếp tục phát các tập 3-6.

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

THÔNG BÁO!!!

Sáng nay, 10/8/2015, VTV thông báo: lịch phát sóng phim "NHỮNG NGƯỜI LÀM CMT8 Ở HÀ NỘI" có thay đổi.
Sẽ khởi chiếu vào 8g sáng thứ ba, 11/8/2015, và phát lần lượt cho đến hết.
Vậy mong được các bạn thông cảm!

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Dự kiến lịch phát sóng bộ phim tư liệu lịch sử "NHỮNG NGƯỜI LÀM CMT8 Ở HÀ NỘI"

Nếu không có gì thay đổi, bộ phim "NHỮNG NGƯỜI LÀM CMT8 Ở HÀ NỘI" sẽ được phát sóng trên VTV2 từ thứ 2 (10/8/2015) vào lúc 8g sáng và phát liên tục trong 6 buổi.
Kính mời anh chị em, bạn bè đón xem!

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

ANH LÊ CHÍ HÒA - CHÍ ÍT LÀ HÒA (Nguyễn Quốc Bình, k7 HV)

Thấy trên FB của anh Quốc có ảnh anh Quốc và anh Lê Chí Hòa, mới bảo thể nào cũng phải viết 1 status về anh 'Chí ít là Hòa'.
Các anh Quốc và Chí Hòa đều là học viên Khóa 5, có 1 năm cùng đại đội C30 'khu chuồng lợn' trên Bảo Sơn, Vĩnh Yên từ 40 năm trước (gồm các khóa 5-6-7 học viên ngành VT-ĐT). Chí Hòa học hữu tuyến, sau về Bộ môn Hữu tuyến làm GV nên cùng bộ môn với ta, còn anh Quốc học vô tuyến, sau về làm GV bộ môn Vô tuyến, cùng khoa VT-ĐT (K3), sau này cả 2 bộ môn nhập làm một thành Bộ môn thông tin cho đến tận bây giờ. 
Dạo ta học năm cuối, cả 2 anh đều dạy chuyên đề cho lớp bọn ta, Chí Hòa dạy máy tải ba FCC17 của Mỹ, anh Quốc thì dạy các máy FRC109 và REL2600 cũng của Mỹ để lại. Cả hai đều học rất giỏi, chơi guitar và đá bóng rất hay (nhất là anh Quốc, rất đa tài - thế mà mãi mới lấy được vợ ạ, bọn con gái dạo ấy mù lòa cả hay sao ấy nhở?). Cả hai đều là con các cán bộ cao cấp (anh Quốc là con thiếu tướng Trần Tử Bình, người lãnh đạo phong trào Phú Riềng đỏ và tổ chức khởi nghĩa ở Hà Nội năm 1945, sau là chính ủy trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, năm 1950-1951 cha ta cũng học ở đó, dạo ấy Trường còn đặt bên Trung Quốc, cha ta sang đó, đi bộ từ chiến khu tới Trường cùng đoàn đi với cụ Trần Tử Bình). Còn anh Lê Chí Hòa là con thiếu tướng Lê Chưởng (sau về làm bí thư đảng đoàn Bộ ĐH-THCN) và bà Diệu Muội (thứ trưởng Bộ Thương nghiệp). Song cả 2 đều rất giản dị và hòa đồng, sống chí tình với anh em và cả đời đều sống đúng như những người lính chân chính theo gương cha mẹ mình. 

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

CƠ SỞ CÁCH MẠNG Ở VĨNH YÊN

Phần 2 - Bà chị VN anh hùng
Ai đọc chắc cũng ngạc nhiên: Làm gì có danh hiệu cao quý này? Xin thưa, Nhà nước thì chưa nhưng anh em cán bộ, sĩ quan, CNV Đại học KTQS từng sống ở Vĩnh Yên thì đã tôn vinh 1 bà chị cực thương yêu bộ đội Vĩnh Yên cái danh hiệu này. Chuyện khá dài dòng...
*
... Vĩnh Yên những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước. Chiến tranh biên giới với TQ từ 1979. Sau 1975, Liên Xô không còn viện trợ cho ta. Bắt đầu đói.
Trưa ấy, vừa dạy từ Khu 125 về. Bụng đói meo. Vừa đạp xe rẽ vào đường Bảo Sơn thì nghe tiếng gọi với theo:
- Ngân ơi, Quốc ơi, vào chị đi. Hôm nay, mông chị ngon lắm. Giò chị cũng tươi rói đây.
Chưa cuối tháng đã hết nhẵn tiền, quý chị lắm nhưng đâu dám vào:
- Chị ơi, chúng em hết tiền rồi.
- Ơ hay, tiền nong gì, cứ lấy về mà ăn. Khi nào có tiền trả cũng được.
Cơ sở cách mạng của chúng tôi như thế đấy.

CƠ SỞ CÁCH MẠNG VĨNH YÊN (Kiến Quốc)

"Đi dân nhớ, ở dân thương..." (nhớ là còn "chấm chấm" nữa!) là truyền thống của bộ đội ta; điều này quá đúng với cán bộ, sĩ quan, học viên Đại học KTQS Vĩnh Yên. Xin được đăng tải loạt bài về các cơ sở cách mạng của chúng tôi.
Phần 1 - Đại tá Lữ trưởng Lữ đoàn dù
Anh tên là Nguyễn Văn Lữ, Việt kiều Thái-lan về nước theo lời kêu gọi của Cụ Hồ hồi 1960. Vì thân thiện, Lập Ngố và Trung Nghĩa đặt cho anh cái tên Lữ trưởng Lữ dù. Nhà anh đối diện "Chiêu đãi khổ" Bảo Sơn nên cũng thành nơi đón vợ con, người yêu của cánh đàn em lên chơi. Vô tư, nhà có gì xài nấy.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

MỘT THỜI ẤU TRĨ (5) - Nguyễn Đức Nước


Một buổi tối đầu năm 1972 tổ Đảng bộ môn Bảo dưỡng và Sửa chữa ô tô (khoa Xe, HV Hậu Cần) họp. Chỉ là buổi sinh hoạt thường kỳ nhưng tự nhiên Bí thư Đảng ủy khoa – thiếu tá Nguyễn Văn Lý cũng xuống dự. Trong buổi họp, lại cũng “tự nhiên” bí thư Lý hỏi tôi:
-      Đồm chí Nước có thuộc 7(*) nhiệm vụ của đổm viên không?
Vốn dĩ tôi không cho rằng học thuộc kiểu “Rắn là một loài bò, (à ờ à) rắn là một loài bò …sát không chân, (a) sát không chân” sẽ là đảng viên giỏi hay xuất sắc. Cái thời vừa vác tre đi rào làng kháng chiến vừa nói như “đọc thuộc lòng” cho người khác “Cuộc kháng chiến của chúng ta chia làm ba giai đoan: giai đoạn phòng ngự, giai đoạn …” (Nam Cao – Đôi mắt). Với lại, cả năm năm trời học đại học có bao giờ phải học thuộc lòng đâu đã thành thói quen nên khi bị hỏi bất ngờ, tôi trả lời luôn:  
-      Báo cáo thủ trưởng tôi không thuộc ạ!
-      Không thuộc! Thế đồm chí chỉ nói những ý chính cũng được. - Bí thư giảm mức yêu cầu.
-      Báo cáo, ý tôi cũng không nhớ. - Tôi trả lời bừa đi như vậy, muốn cho xong chuyện.

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

MỘT THỜI ẤU TRĨ (2) - Đỗ Thành Hưng

                                        
      Sang năm 1967 chúng tôi bước vào học kỳ hai của năm thứ nhất. Thời kỳ này chiến tranh phá hoai đã lan ra cả miền bắc. Các phong trào thi đua chống Mỹ rầm rộ và khí thế ngút trời  được phát động trong cả nước liên tục. Nào các đội lão dân quân, những đơn vị dân quân gái các nơi được  thành lập, phong trào Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang, các bài hát như: Bài ca năm tấn, Đường cày đảm đang, v.v... ra đời để động viên thôi thúc toàn dân đánh Mỹ. Chúng tôi đã là lính nên không ai để ý nhiều tới các phong trào này, tập trung cho học tập là chính. Vì là ngày đầu thành lập, ở một môi trương  mới, ai cũng lạ lẫm với công việc của mình, thầy lo trách nhiệm của thầy, trò lo trách nhiêm cuả trò. Lo lắng nhiều nhất là cán bô khung trực tiếp quản lý ở các đại đội.

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

MỘT THỜI ẤU TRĨ (1) - Đỗ Thành Hưng

            Học viên Học viện KTQS mỗi giai đoạn có một môi trường, một khả năng nhận thức khác nhau. Chúng tôi là học viên khóa 1, ngày mới thành lập, cán bộ, công nhân viên, thầy trò tất cả đều còn bỡ ngỡ. Tôi xin chia sẻ với các khóa sau để các bạn, các em, các cháu biết một thời “ấu trĩ” của chúng tôi từ những ngày đầu ấy. Những chuyện sau tôi kể không nhằm phê phán cá nhân hay tập thể nào. Chuyện đúng sai ta không bàn tới, chỉ để nhớ lại cái thủa ban đầu còn mang tên: Phân hiệu 2 Đại học Bách khoa.  
THẦY  QUẢNG
           Học viên khóa 1 chúng tôi có nhiều thành phần lắm, có anh là lính cuối thời chống Pháp, tuổi gần bốn chục, là sỹ quan. Còn lại là lính nghĩa vụ, hầu hết là hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Các anh học bổ túc từ nhiều nguồn khác nhau , có anh đã học qua trung cấp ở các chuyên ngành dân sự. Bọn tôi đang ở tuổi 17, 18, mới tốt nghiệp cấp 3, binh nhì vừa nhập ngũ.

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Chuyện ở B5 (Nguyễn Nước- Lớp Ô tô C213)

Ngày đầu tiên: điếc không sợ súng  
Cơ sở chính của phòng Xe cục Hậu cần B5 nằm kín đáo trong khu rừng già thuộc địa phận Vĩnh Linh-Quảng Trị. Từ ngoài đường đất mà ô tô có thể đi được để vào khu A phải đi bộ mất hơn một giờ đồng hồ theo con đường mòn có rừng cây che phủ. Trạm xá của Bộ Tư Lệnh B5 cũng nằm trên con đường này. Số người được vào khu A là rất hạn chế, hầu như chỉ có   các cán bộ của Cục Hậu cần. Khu B là khu dành riêng cho các cán bộ cao cấp. Ngành xe chỉ có bác Cục phó Cục Quản lý xe, trung tá Nguyễn Quang Lanh sống trong đó, thỉnh thoảng ra khu A làm việc và bác trưởng phòng, thiếu tá Nguyễn Viết Khoáng là được ra vào khu B mà thôi (tôi phải gọi là “bác” vì các bác phải cỡ trên dưới 60 tuổi cả. Đi lại luôn có chú cần vụ theo cùng để xách ba lô). Nghe nói sở chỉ huy mặt trận của tướng Lê Trọng Tấn cũng ở khu B. Sở dĩ tôi phải nói qua về địa điểm này vì từ đây muốn ra Khe Lương, nơi đặt bộ phận giao dịch của phòng Xe hoặc đến các trạm sửa chữa hay tới các đơn vị vận tải còn rất xa, phải chờ dịp có ô tô đón ở ngoài bìa rừng. Mỗi chuyến thường phải kết hợp chờ cho có đủ hai ba người cùng đi.

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Cảm ơn!

Xin chân thành cảm ơn các bác k1: Đỗ Thành Hưng, Nguyễn Nước... đã tích cực đóng góp bài vở cho blog này. Mong nhận được nhiều bài viết sinh động như thế.
BBT

ĐƯỜNG RA TRẬN ( Nguyễn Nước - Lớp Ô tô C213)

 Phạm Tiến Duật. “Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Tốt nghiệp ra trường tôi còn được học thêm một khóa đào tạo lái xe 3 tháng ở Trường 255 (Sơn Tây) rồi mới về Khoa Xăng-Xe, Học Viện Hậu Cần làm công tác giảng dạy. Cùng về Học viện Hậu Cần còn có Đức Cường lớp súng-pháo được phân công về  Khoa Khoa học cơ bản và Kỹ thuật cơ sở.
Khoa Xăng-Xe đào tạo sĩ quan kĩ thuật cho 2 chuyên ngành xăng dầu và xe máy (xe bánh hơi, bánh xích và cả máy nổ) nên đã được tách thành hai khoa riêng biệt: Khoa Xăng dầu (thường gọi tắt là K10) và Khoa Xe-Máy – K9. Tôi ở lại K9, và được coi là giáo viên trẻ trong khoa mặc dù tuổi đời cũng gần “băm”.

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Phóng sự ảnh: Họp mặt C213 (Lê Kinh Tuyến k1)

Có loạt ảnh về Họp mặt truyền thống C213, Đại học KTQS hôm 4/1/2015 vừa rồi.
Thầy giáo và cựu học viên C213 có mặt sáng nay.

Họp mặt C213 Đại học KTQS (Đỗ Thành Hưng)

Nhận đươc thông báo của BLL C-213: họp mặt ngày 4-1-2015 tai Bảo  tàng PKKQ -173 Trường Chinh, Hà Nội; tôi và anh Hà Duy Hiện háo hức đợi chờ. Hai chúng tôi thay mặt hơn chục anh em khoá 1 (C-213) ở Sài Gòn bay ra Hà Nội tham dự với anh em.
Từ sáng sớm tôi đã có mặt ở cổng bảo tàng vì nóng lòng muốn gặp được anh em, bạn bè cũ, đã 45 năm có nhiều người chưa một lần gặp lại.   

... Rồi một ông già xuất hiện, ăn mặc bảnh bao, áo veston, càvat, mũ phớt, giày đen bóng lộn, nét mặt tươi rói, ngó nghiêng, thư thái qua cổng gác. Tôi đứng lên và chờ ông bước lại gần rồi lễ phép:
-  Thưa... Ông đi họp lớp C-213 ạ?
-   Vâng. Ông là... ?
-  Thưa... tôi là tiếp tân của bảo tàng được cử ra đón đoàn. Xin ông cho biết quý danh?
-   Tôi là Nguyễn Kim Hiển.